Di tích Thành Cổ Loa – Công trình kiến trúc cổ nhất của Đông Nam Á và cũng là một di tích lịch sử hấp dẫn mà #teamKlook không nên bỏ qua khi có dịp đến thăm Hà Nội.
Thành Cổ Loa là cố đô của vương quốc Âu Lạc thời xa xưa, cũng là trung tâm văn hóa cổ đại dưới thời vua An Dương Vương. Công trình này đến thời điểm hiện tại được đánh giá là công trình cổ lâu đời và quy mô nhất nước ta.
Mục Lục
Giới Thiệu Về Di Tích Thành Cổ Loa
Di tích đền Cổ Loa là một phần trong quần thể Thành Cổ Loa. Trải qua chiều dài của lịch sử và sự tàn phá của chiến tranh, đến nay phần công trình kiến trúc này cũng không còn nguyên vẹn. Ngôi đền chính thờ An Dương Vương và bia đá cũng đã được trùng tu lại. Bên trong điện thờ chính là bức tượng đồng đen của vua An Dương Vương đội mũ miện. Gần đó là bàn thờ Thần Kim Quy (Rùa Vàng) và được nhiều người biết đến nhất là đền thờ công chúa Mỵ Châu mặc lễ phục tinh xảo, nạm ngọc và tượng thờ không có đầu.
Lịch Sử Cụm Di Tích Thành Cổ Loa
Theo truyền thuyết, quá trình xây Thành Cổ Loa của An Dương Vương không thuận lợi, thường xuyên sụp đổ và bị ma quỷ quấy phá. Thần Kim Quy đã cho ngài một chiếc nỏ thần làm bằng móng vuốt để trấn giữ thành. Từ đó việc xây thành được tiếp tục và không gặp bất cứ trở ngại nào nữa.
An Dương Vương đã gả con gái mình là công chúa Mỵ Châu cho hoàng tử Trọng Thủy của nước Nam Việt (thuộc một phần Trung Quốc và Việt Nam ngay nay). Trọng Thủy đã thuyết phục Mỵ Châu cho xem chiếc nỏ và lấy cắp nó, phục vụ cho âm mưu xâm lược sắp tới.
Khi quân Nam Việt đánh đến thành, An Dương Vương phải mang theo Mỵ Châu chạy nạn. Trên đường trốn chạy Mỵ Châu đã rải lông ngỗng trên chiếc áo của mình để dẫn đường cho Triệu Đà. Thấy con gái mình dẫn đường cho giặc, An Dương Vương đã chém đầu Mị Châu và nhảy xuống biển tự vẫn. Triều đại của An Dương Vương sụp đổ và mở ra thời kỳ 1000 năm đô hộ của Trung Quốc.
Kiến Trúc Di Tích Thành Cổ Loa Có Gì Đặc Sắc?
Kiến trúc của di tích Thành Cổ Loa luôn gây ấn tượng khó quên đến du khách trong và ngoài nước. Sự đặc sắc này nằm ở vẻ đẹp của quần thể kiến trúc và giá trị lịch sử cổ xưa của nó. Khi đến Thành Cổ Loa bạn nên tham quan hết tất cả các điểm sau đây:
1. Đền An Dương Vương
Đền An Dương Vương hay có tên gọi khác Đền Thượng, điểm tham quan hấp dẫn nhất tại Thành Cổ Loa. Đền được xây dựng năm 1687 dưới thời vua Lê Hy Tông. Đền thờ An Dương Vương là biểu tượng cho nghệ thuật điêu khắc tinh xảo thời Lê.
Bên trong đền là bức tượng An Dương Vương Bằng Đồng, tượng Bạch Mã cùng các hiện vật cùng thời kỳ vẫn còn được lưu giữ.Giếng Ngọc nằm ngay giữa hồ phía trước ngôi đền, theo truyền thuyết kể rằng đây chính là nơi Trọng Thủy đã kết liễu cuộc đời mình.
2. Đền Cổ Loa
Đền Cổ Loa được di dời nhiều lần và được đặt tại đây vào cuối thế kỷ 18. Đây là điểm tổ chức các cuộc họp đại thần của An Dương Vương. Cửa đền được chạm khắc, mạ vàng tỉ mỉ hình ảnh Tứ linh Long – Lân – Quy – Phụng và 4 loại hoa Đào – Mai – Trúc – Cúc. Kiến trúc của Đền Cổ Loa chắc chắn sẽ khiến bạn phải trầm trồ về vẻ đẹp hàng nghìn năm tuổi của nơi này.
3. Đền Thờ Công Chúa Mỵ Châu
Đền thờ Công chúa Mỵ Châu cũng là lăng mộ của bà. Bên trong đền có một tảng đá với hình dáng người không đầu được gọi là đá Mỵ Châu. Trên tường của ngôi đền có một bức hoành phi khắc bài thơ bằng chữ Hán của Chu Mạnh Trinh. Những truyền thuyết và bí ẩn xoay quanh ngôi đền này là điều khiến nhiều người cảm thấy tò mò.
4. Đền Cao Lỗ
Cao Lỗ là một vị tướng tài dưới thời vua Thục Phán tức An Dương Vương. Tướng Cao Lỗ đã tạo ra nỏ Liên Châu và là người trông giữ việc xây dựng thành. Ngôi đền này được dựng lên để tôn vinh sự đóng góp của ông đối với đất nước. Phía trước đền còn có tượng tướng Cao Lỗ tay cầm nỏ trông giữ hồ.
5. Khu Trưng Bày Hiện Vật Cổ
Khu trưng bày hiện vật cổ mang đến những hiện vật có giá trị lịch sử quý giá đã khai quật được tại di tích Thành Cổ Loa. Tại đây có trưng bày chiếc nỏ thần mô phỏng, bản đồ 9 vòng thành nguyên bản và 3 vòng di tích còn sót lại ngày nay cùng nhiều hiện vật bằng sứ, bằng đồng khác.
Hướng Dẫn Cách Đi Đến Di Tích Thành Cổ Loa
Cách đến di tích Thành Cổ Loa cũng rất dễ và có nhiều loại phương tiện cho bạn chọn. Nếu đi xe máy, bạn hãy đi dọc theo quốc lộ 1A qua cầu sông Đuống đến thị trấn Yên Viên. Sau đó rẽ trái vào quốc lộ 3, đi 5km nữa là đến Thành Cổ Loa.
Ngoài ra bạn cũng có thể đi xe buýt số 46 từ Mỹ Đình hoặc xe số 15, 17 tại ga Long Biên để đến Thành Cổ Loa. Cách di chuyển này được xem là tiết kiệm nhất dành cho những nhóm bạn trẻ. Lưu ý tránh đi vào khung giờ cao điểm để không phải chen lấn. Taxi từ trung tâm thủ đô đến Thành Cổ Loa sẽ có giá khoảng 120.000đ/ lượt..
Kinh Nghiệm Tham Quan Di Tích Lịch Sử Thành Cổ Loa
Bạn nên đến tham quan di tích Thành Cổ Loa vào mùa hè vì lúc này thời tiết đẹp, khô ráo, xung quanh là các hàng hoa phượng, hoa bằng lăng nở rợp trời. Nếu yêu thích các lễ hội nhộn nhịp thì tháng Giêng mùa xuân là thời điểm lý tưởng nhất, hãy đi vào các ngày từ 4 – 15 để xem lễ hội Thành Cổ Loa. Đến đây vào mùa Đông bạn sẽ được thưởng thức đặc sản cháo trai mà người dân ở Cổ Loa rất tự hào.
Ngoài ra các phiên chợ của người dân Cổ Loa sẽ diễn ra vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21, 26 Âm lịch hàng tháng. Mỗi phiên bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc vào 11h trưa. Phiên chợ diễn ra ngay trên trục đường chính vào Thành Cổ Loa và được gọi là “Phiên Chợ Xa”.
Các Lễ Hội Tại Cụm Di Tích Thành Cổ Loa
Di tích Thành Cổ Loa nổi tiếng với Lễ hội Thành Cổ Loa được tổ chức vào ngày 6/1 Âm lịch hàng năm để tưởng nhớ Vua An Dương Vương. Buổi lễ này được cộng đồng dân cư trong 12 thôn trong Thành Cổ Loa và 7 xã trong khu vực cùng nhau tổ chức. Lễ hội kéo dài đến 10 ngày cho đến ngày 16/1 Âm lịch thì kết thúc. Vào ngày thứ 5 của lễ hội sẽ có buổi dâng hương tại đình làng linh thiêng.
Các vị bô lão được kính trọng trong khu vực sẽ cùng thực hiện nghi lễ, ôn lại công tích của vua An Dương Vương tại Đền Thượng. Vào hôm sau là lễ rước long trọng lên Đền Thượng, khắp nơi là cờ hoa rực rỡ. Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian vui nhộn như đánh đu, đấu vật, thổi cơm, bắn nỏ,…
Vé Tham Quan Di Tích Thành Cổ Loa
Di tích Thành Cổ Loa mở cửa từ 8h00 cho đến 17h00 tất cả các ngày trong tuần nên bạn có thể đến tham quan thoải mái. Giá vé tham quan di tích Thành Cổ Loa là 10.000đ/người lớn; 5.000đ/học sinh, sinh viên, người Việt Nam trên 60 tuổi và miễn phí cho trẻ em dưới 15 tuổi, người có công với Cách mạng.
Các Địa Điểm Du Lịch Gần Di Tích Thành Cổ Loa
Bài review chi tiết về di tích Thành Cổ Loa trên đây chắc chắn đã phần nào giải đáp được sự tò mò của #teamKlook. Còn chờ gì mà không lên kế hoạch ngay cho một chuyến thăm thú Hà Nội cùng nhiều trải nghiệm thú vị trong tương lai gần?
Bạn sẽ cùng ai khám phá Cụm Di Tích Thành Cổ Loa nè?
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH: